2/9/18

Nơi chân trời


Tôi đang quẩn quanh với mớ đời bèo bọt rách rưới, và đôi lúc tự đắc với chút ngông cuồng với ý niệm - mới chỉ là bắt đầu, nó gọi và hỏi vay một triệu. Tôi bảo tao sẽ cho mày vay nếu ngày mai mày trả! Tôi nghe nó thở phì phì ở đầu máy bên kia, chút im lặng nó bảo, tao i...ả vào!
Nghĩ mà thương nó, cái thằng hiền đến tái tê, lành như gỗ mục và luôn hãnh tiến ấy!
Tôi có biết mặt nó hồi học cấp ba, khi chúng tôi kề lớp và cùng trường THPT Thiệu Yên III. Lúc đó nếu có ai đưa cho tôi một tấm hình của nó, tôi sẽ nói, tôi có biết mặt thằng này, hình như… nó ở lơp E. Chỉ thế thôi.

Rồi một buổi chiều thành Vinh mưa tơi tả và hờn trách, mưa thật chứ không phải mưa tâm trạng, và gió nữa, khi tôi đang lần thần bước ra từ phòng thi của kỳ thi đại học, tôi thấy nó. Nó đứng khép nép bên cây cột bê tông bong tróc  nhìn trời mưa và cũng buồn như tôi. Trong nỗi cô đơn, chán và “nhớ mẹ” tôi gọi nó như thân thiết, “này, cũng thi ở đây à”. Nó nhìn tôi mặt giãn ra, “Ừ!”. Tôi cứ tưởng với vẻ mặt kia thì phải hơn “Ừ!” cơ chứ. Nó chả nói thêm gì, nét mặt vẫn vui, và bình thản. Tôi hỏi thêm vài câu và tôi thích nó ngay buổi nói chuyện đầu tiên đó.  
Sau ngày gặp nhau ở thành Vinh chúng tôi về nhà của mình và cuốc ruộng. Tôi chẳng còn nhớ đến những ngày khoa cử nữa, chắc nó cũng vậy. Mùa hè năm ấy nóng, cái nóng lan cả vào hồn tôi và tôi không thể chịu đựng được cảnh chờ đợi một cái giấy báo nhập học của một trường đại học nào đó nữa. Tôi phải đi đâu đó mà không thể cứ lêu đêu với cái tuổi hai mươi hai này mãi được. Tôi học cách chui vào một cái buồng máy và cầm lấy cần gạt lệnh cho một cái máy khổng lồ phải quay ngược quay xuôi, rền vang núi rừng. Con sâu bướm Caterpillar - một loại máy xúc cổ lỗ hiệu Mĩ của trường Công nhân cơ giới I Ninh Bình dường như hành hạ tôi suốt ngày khi nó luôn ngả nghiêng tuột cáp. Ông thầy người Hà Tĩnh đay nghiến “rắng mì ngu rựa”, mấy thằng giang hồ đứng dưới đất cười ngặt nghẽo. Tôi bị lũ giang hồ đó bắt nạt vài lần và khi ngồi dạng háng ăn cơm ở căng tin tôi xuýt nữa cắn đứt một con sâu to ngang ngón tay, tôi bắt đầu nhớ lại những trang sách.
Một ngày kia, tôi được thư của  một cô bạn trong trường Vinh báo tin tôi đỗ, vậy là tôi quay lại thành Vinh.
Lúc đi thi, tôi có quen một anh bạn, và bây giờ khi đang bơ vơ ở cổng trường Đại học sư phạm Vinh tôi lại gặp anh ấy, anh ấy chủ động gọi tôi và dường như cũng còn nhiều ấn tượng về tôi lắm. Anh ấy có nhã ý mời tôi đến ở cùng, tôi đồng ý ngay. Khi đến dãy trọ của anh ta tôi lại gặp một người đồng hương hơn tôi ba tuổi học khóa trước, anh ấy cũng đang muốn có thêm bạn cùng phòng và tôi vớ ngay lấy.
Khi người anh đồng hương đưa tôi về đến phòng trọ tôi thấy nó đang nằm đọc sách trên giường. Khỏi nói tôi vui như thế nào khi gặp lại nó, còn nó cũng tươi cười nhìn tôi nhưng chỉ chỉ “Ơ!” một cái rồi chả “Ừ, Ơ” gì nữa.
Tôi ở với nó suốt mấy năm đại học trong dãy trọ của một bà chủ đôn hậu bậc nhất trần gian. Bà ấy là một người kinh doanh  lọc lõi, nhưng trong việc kinh doanh phòng trọ với khách hàng là chúng tôi thì bà ấy là một kẻ vô cùng “khờ khạo”, vậy nên chúng tôi mới không thể quên được con người đôn hậu ấy. Tôi với nó như bóng với hình trong khu trọ.  Những trận đế chế thâu đêm, những nồi mì tôm trong những đêm trước thi học phần, và những cuộc sinh nhật đáng nhớ.
Nó ít kể chuyện “gái”, nhưng tôi biết nó khổ vì đàn bà. Một hôm hai thằng nằm gác chân lên tường nó bảo, “tối qua con H uông hết hơn nửa chai rượu, vì tao”. Tôi bảo, “khiếp uống giỏi thế, thất tình hả, nhưng tối qua mày ở nhà mà!”, “sinh nhật nó mà tao không đến!”
Tôi chẳng lạ gì cô bé H đó, không xinh lắm nhưng độ hấp dẫn thì đạt điểm tối ưu. Một cô bé hoạt náo và lơi lả. Nó ghét điều đó. Khi cô bé H chủ động “ve” nó thì nó càng ghét hơn. Nó còn khối sự lựa chọn và tất cả đều là ngọc nữ hết.
Tôi không thể quên những ngày chúng tôi đèo nhau trên một chiếc xe đạp nào đó (chúng tôi không có xe đạp nên ngày nào cũng mượn) đi chợ mua thức ăn, ra hiệu sách, và tạt vào quán nét chơi một trận đế chế… Nó thích xây thành đắp lũy, nuôi quân khỏe mạnh và dùng chiến thuật, còn tôi thì thích đánh ngay ở phút đầu. Nó chậm hơn nên toàn thua, cuối cùng nó nghĩ ra một cách khá cáo già mà tôi là nạn nhân, nó ép tôi phải hẹn giờ xuất quân, không được tập kích bất ngờ, và như vậy tôi không có cửa trước chiến thuật của nó…
Ra trường một thời gian, tôi đi làm trước nó, nó bảo mày xin tao lên đó với, nhưng tôi không làm nổi việc đó, vì tôi là kẻ khờ khạo trong việc xin xỏ. Một ngày tháng chín nó gọi điện cho tôi bảo, tao đang ở trên đầu mày. Tôi bảo nó nói láo, nhưng nó khẳng định là như vậy. Cuối cùng tôi làm việc tại Yên Bái còn nó làm việc tại Lào Cai. Thật kì lạ cho cuộc đời.
Chúng tôi gặp nhau vào những dịp hè, khi về thăm quê hương, và thường xuyên gọi cho nhau khi đang công tác. Thỉnh thoảng nó cũng xuống thăm tôi, còn tôi thì chưa một lần lên thăm nó. Từ ngày đi làm, chúng tôi có những cuộc tranh luận về thế sự và cuộc đời thật chất lượng. Nhiều khi tôi đã thầm cảm ơn cuộc đời đã cho tôi một người bạn tuyệt vời đến như vậy. Có những vấn để lịch sử thật sự vỡ ra khi chúng tôi tranh luận với nhau. Chúng tôi cùng quan điểm chân thiện nên có rất nhiều vấn đề tranh luận khi nhìn lại cuộc đời này. Nó bảo, người Việt cần có một đôi cánh, tôi bảo chúng ta càng cần có một cái chìa khóa và chẳng cần những tên cai ngục, lòng chúng tôi nặng trĩu vì câu nói sáo rỗng đó, nó như một ước mơ, một lý tưởng vĩ đại nhưng gian truân lắm. Nó hỏi, buồn vì điều đó không mày, tôi trả lời, cóc buồn, nhưng tự nhiên câu chuyện của hai thằng trùng hẳn xuống!
Tôi cưới vợ lúc băm hai khi đó nó băm tư mà vẫn còn quạnh quẽ. Nhưng có ai bảo nó khổ đâu. Chẳng khi nào nó đơn côi, từ khi tôi gặp nó. Nó như một khối sinh học đầy từ tính và nữ giới là những viên bi sắn luôn tìm và lăn đến bên nó. Khi nó dắt những nàng tiên xuống thăm tôi, tôi đã phải thốt lên, ôi cái đẹp! Những cô sơn nữ thật sự quyến rũ và yêu kiều. Còn những chuyện bên lề mà nó kể thì nhiều lắm.
Mùa hè năm 2013 chúng tôi lại gặp nhau ở quê, khi đó nó đã học hết năm thứ nhất thạc sĩ. Chúng tôi đi Sầm Sơn, trong cái gió đượm vị mặt chát của biển khơi, chúng tôi chọn một góc biển đầy những cây thông và hơi lặng sóng phía dưới đền Độc Cước, ngồi nhâm nhi li bia Thanh Hoa và nói về biến cố Thiên An Môn của nước Tàu. Thật là tuyệt vời biết bao. Nó vẫn nhẹ nhàng thanh tao như thủa nào, có phần chín hơn nhưng độ đào hoa thì vẫn còn nguyên vẹn khi nó lại nhắc đến một cô gái mới toanh học cùng lớp cao học và nó bảo tiếc vì không thể cưới được, cô ấy chưa có việc.
Sau hôm đấy chúng tôi đi suối cá thần Cẩm Thủy và tôi lại về trường công tác còn nó ở lại chuẩn bị cho năm thạc sĩ thứ hai.
Và rồi nó…. Chết trong một vụ tai nạn giao thông tại quê nhà khi cánh cửa cuộc đời vừa mở toang. Tôi rất buồn và trống vắng, cho đến tận bây giờ!   
Mặc Khải 2/9/2018